Lịch sử chữ viết Mường Tiếng_Mường

Từ lâu, người Mường đã có ý thức tạo dựng cho mình một bộ chữ viết ghi lại tiếng nói của tổ tiên mình. Hiện nay trong nhân dân vẫn còn lưu lại một số văn bản người xưa sử dụng chữ Hán để ghi lại tiếng Mường. Hiện chưa ai có thể dịch được. Tất nhiên việc này không chỉ ở người Mường, bản thân người Việt hàng nghìn năm sử dụng chữ Hán làm chữ viết quốc gia, để bây giờ hàng vạn sách của người xưa để lại có rất ít người đọc được. Các đình, chùa, miếu mạo, am đài... trong Nam, ngoài Bắc của người Việt thờ người Việt, song các đại tự, hoành phi, câu đối, gia phả... đều viết bằng chữ Hán, con cháu về thắp hương nhìn không biết là những chữ gì... Quả là việc khó khăn, vì chữ Hán rất khó học, nên việc dùng chữ Hán để ghi âm tiếng Mường càng khó hơn.

Sau 1945, Việt Nam chính thức sử dụng bộ chữ Quốc ngữ là bộ chữ cho tiếng Việt. Từ đây tiếng Hán không còn sử dụng nhiều. Nhờ có chữ Quốc ngữ nên người Việt Nam học chữ rất nhanh, trong một thời gian ngắn đã có gần 100% dân số biết đọc, biết viết, thật là một kì tích.

Cũng từ đây các nhân sĩ, trí thức người Mường bắt đầu sử dụng chữ Quốc ngữ để ghi lại tiếng Mường. Kết quả là hàng vạn câu thơ Mo Mường được sưu tầm, nhiều ấn phẩm được xuất bản, song mỗi tác giả ghi một kiểu khác nhau, người đọc rất khó đọc. Một điều nữa, tuy tiếng Việt và tiếng Mường gần gũi, có rất nhiều từ đồng âm, song có nhiều âm trong tiếng Việt không có, chữ Quốc ngữ càng không có các nguyên tắc để đọc các âm này, như âm: w (wơ̒), tl (tlơ̒)..., âm l cuối âm tiết như: mâl - mây, păl - bay, kâl - cây...

Thanh huyền trong tiếng Mường nhẹ hơn thành huyền trong tiếng Việt. Hệ quả là các văn bản ghi lại tiếng Mường người viết ra có thể đọc tốt bằng tiếng Mường, sang đời con cháu sẽ khác, chúng không đọc được ra tiếng Mường, vì thực chất đó là mượn chữ Quốc ngữ (tiếng Việt) để ghi lại tiếng Mường. Các di sản văn hóa, sách viết... đời sau có thể đọc hiểu bị sai... Đó thực sự là nguy cơ thêm vào để thúc đẩy tiếng Mường càng nhanh có nguy cơ biến mất.

Hòa Bình đang vươn lên phát triển mạnh mẽ, kinh tế có bước phát triển vượt bậc, song nền văn hóa các dân tộc trong tỉnh như nguồn tài nguyên còn nằm dưới các lớp trầm tích, giờ đang được quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy trong đời sống. Mo Mường - một di sản văn hóa độc đáo, đặc sắc của người Mường Hòa Bình nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung đã được công nhận là Di sản văn hóa cấp quốc gia và đang trong quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đã có nhiều sưu tầm được in ấn, song mỗi bản in, các nhà sưu tầm ghi bằng loại chữ viết khác nhau để ghi lại tiếng Mường. Đây là khó khăn lớn một lần nữa đặt ra vấn đề chữ Mường.

Năm 2016, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Khoa học và Công nghệ cùng các sở, ngành liên quan vào cuộc, mời các nhà khoa học ở Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam trực tiếp về Hòa Bình thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh "Xây dựng Bộ gõ chữ Mường, Biên soạn tài liệu dạy - học chữ Mường” do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang, nhà khoa học uy tín của Việt Nam làm chủ nhiệm đề tài. Đích thân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tham gia trong nhóm làm đề tài.

Việc thực hiện rất gian nan, nhóm làm đề tài đã đi khảo sát tại hơn 20 xã có đông người Mường sinh sống trong tỉnh thuộc các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi... Đã gặp gỡ hơn 100 người trực tiếp phỏng vấn, ghi chép tư liệu và thực hiện phát phiếu điều tra xã hội học. Tại các huyện đều tổ chức tọa đàm, hội thảo nhỏ quy mô hơn 20 người là các nhân sĩ, trí thức, người có hiểu biết tham gia. Mỗi cuộc hội thảo, tọa đàm đều tranh luận, có lúc gay gắt "nảy lửa”, tất cả đều thành tâm nhằm tìm đến chân lý cho sự ra đời của bộ chữ Mường. Đề tài đã thực hiện 5 lớp dạy chữ Mường thể nghiệm ở các huyện: Lạc Sơn, Tân Lạc và thành phố Hòa Bình cho các đối tượng là học sinh, nông dân, cán bộ, công chức... đạt kết quả tốt. Qua đó nhóm thực hiện đề tài có thêm cơ sở thực tế để tiếp tục hoàn thiện Bộ chữ viết dân tộc Mường.

Sau 2 năm (2016 - 2017) thực hiện đề tài, các sản phẩm khoa học: "Tài liệu hướng dẫn dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường”, "Tài liệu tiếng Mường cơ sở”, "Tài liệu đọc, hiểu tiếng Mường” thuộc đề tài Xây dựng Bộ gõ chữ Mường, Biên soạn tài liệu dạy - học chữ Mường đã ra đời, được Hội đồng khoa học nghiệm thu, đạt loại xuất sắc. Ngày 8/9/2016, UBND tỉnh Hòa Bình đã công bố Quyết định số 2295/QĐ-UBND về việc phê chuẩn bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND về triển khai ứng dụng Bộ chữ dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình. Với mục đích đưa Bộ chữ dân tộc Mường được phê chuẩn vào đời sống dân tộc Mường; đồng thời nhằm khẳng định Bộ chữ dân tộc Mường là chữ viết chính thức của dân tộc Mường; qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Mường.[6]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tiếng_Mường http://ngonngu.net/index.php?p=294 http://ngonngu.net/index.php?p=303#muong http://glottolog.org/resource/languoid/id/muon1246 http://www-01.sil.org/iso639-3/documentation.asp?i... http://www.sil.org/iso639-3/documentation.asp?id=m... http://baohoabinh.com.vn/246/122595/Nguoi-thanh-co... http://www.baohoabinh.com.vn/16/126191/Tan-man-xun... http://www.baohoabinh.com.vn/mu/ http://www.baohoabinh.com.vn/mu/2/430/Nguoi-duo-ka... https://sokhoahoc.hoabinh.gov.vn/index.php/tin-tuc...